Select the search type
 
  • Site
  • Web
Tìm
Chi tiết tin

Cần đẩy mạnh nâng cao năng suất và chất lượng lao động

Người đăng: QT Hệ thống Ngày đăng: 14:12 | 10/04 Lượt xem: 1879

Ngày 27/11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam, nhằm cung cấp thông tin, hiện trạng và NSLĐ trong nước trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế.


Hình ảnh tại buổi diễn đàn (Nguồn: K.D)

Theo TS Đặng Thị Thu Hoài, Phó Trưởng ban Chính sách dịch vụ công (CIEM), năm 2013, năng suất lao động chung của toàn xã hội thấp, bình quân mỗi lao động tạo ra khoảng 48,72 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2001 và có sự khác biệt lớn giữa các ngành. Giai đoạn 2000 – 2013, NSLĐ bình quân tăng khoảng trên 5,0% và có sự tăng/giảm không ổn định. Tốc độ tăng NSLĐ đang có xu hướng giảm dần. Nếu như NSLĐ giai đoạn 2000 – 2006 tăng bình quân 6% thì tốc độ này giảm xuống còn 3% giai đoạn 2007 – 2013.

Nếu so với các nước trên thế giới, NSLĐ của Việt Nam vẫn còn khá thấp. Theo giá đô la Mỹ năm 1990, NSLĐ của Việt Nam năm 2010 đạt 5,88 nghìn USD, bằng 13,2% mức NSLĐ của Nhật Bản, 23,3% của Malaysia, 12% của Singapore, 13,3% của Hàn Quốc, 46,5% của Trung Quốc, 37% của Thái Lan và 69,9% của Philippine.

Nhìn từ góc độ cơ cấu lao động và kỹ năng, PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội cũng chỉ ra rằng, có những lĩnh vực chúng ta không cần kỹ năng, trình độ cao nhưng lại được tập trung rất nhiều lao động, còn những ngành cần lại không có. Đây là thực tế đặt ra hiện nay của nguồn lao động và nền kinh tế Việt Nam...

Nguyên nhân của tình trạng trên được các chuyên gia cho rằng, chúng ta còn thiếu chính sách, cơ chế để khai thác hết tiềm năng, đặc điểm nhiều lao động đơn giản, giá rẻ; hoạt động đào tạo, dạy nghề mỏng và mát cân đối; mức độ đầu tư cho ứng dụng khoa học-kỹ thuật để nâng cao khả năng và số lượng sản phẩm cũng như chất lượng sản phẩm còn thấp…Nếu chúng ta không có sự chuyển biến tích cực, tìm ra biện pháp phù hợp và nhanh chóng, Việt Nam sẽ chịu thiệt hại về nhiều mặt như hạn chế năng lực của đội ngũ người lao động, mất cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập của nhân công, phát sinh sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực…

Các chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và giới nghiên cứu cần thắt chặt quan hệ, tạo ra sự trao đổi và tương tác thường xuyên và chủ động để tăng cường nguồn lực đầu tư cũng như chất xám cho việc phát triển khoa học và công nghệ. Cần ưu tiên lựa chọn những công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, dễ ứng dụng và phù hợp để nâng cao NSLĐ. Từ đó tạo ra sự tăng tốc về NSLĐ, là cơ sở cải thiện sức cạnh tranh đối với lĩnh vực lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tác giả: Kim Dung

Nguồn tin: http://dangcongsan.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Tin mới nhất
Thông báo
Liên kết website